PVLC Mùa Thường Niên Tuần XXIX Thứ 4
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 6, 12-18
"Anh em hãy hiến thân cho Thiên
Chúa như những người từ cõi chết sống lại".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, nguyện cho tội
lỗi đừng thống trị trong xác hay chết của anh em, khiến anh em
phải vâng phục những dục vọng của nó. Anh em cũng đừng dùng các
chi thể anh em làm khí giới của gian tà để phục vụ tội lỗi,
nhưng hãy hiến thân cho Thiên Chúa như những người từ trong cõi
chết sống lại, và hãy hiến dâng các chi thể anh em làm khí giới
đức công chính để phục vụ Thiên Chúa. Vì chưng, tội lỗi không
còn bá chủ được anh em: bởi anh em không còn ở dưới chế độ lề
luật, nhưng dưới chế độ ân sủng.
Thế nghĩa là gì? Nào chúng ta cứ
phạm tội đi, vì chúng ta không ở dưới chế độ lề luật, nhưng dưới
chế độ ân sủng ư? Không phải thế! Chớ thì anh em chẳng biết
rằng: hễ anh em hiến thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em
là nô lệ của kẻ anh em vâng phục đó sao? hoặc là nô lệ của tội
lỗi để rồi phải chết, hoặc là nộ lệ của đức vâng lời để rồi được
nên công chính? Nhưng cảm tạ Thiên Chúa, vì xưa kia anh em là nô
lệ của tội lỗi, mà nay anh em đã hết lòng vâng theo khuôn mẫu
đạo lý đã truyền cho anh em noi giữ. Một khi anh em đã được giải
phóng khỏi ách tội lỗi, anh em đã được nhận vào phục vụ đức công
chính.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 123,
1-3. 4-6. 7-8
Ðáp: Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa (c. 8a).
Xướng: 1) Nếu như Chúa không che
chở chúng tôi, - Israel hãy xướng (lên) - nếu như Chúa không che
chở chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng tôi gây hấn, bấy giờ
người ta đã nuốt sống chúng tôi rồi, khi họ bầng bầng giận dữ
chúng tôi. - Ðáp.
2) Bấy giờ nước cả đã lôi cuốn
mất, trào lưu đã ngập lút con người chúng tôi, bấy giờ sóng cả
kiêu hùng đã ngập lút chúng tôi! Chúc tụng Chúa vì Ngài đã không
để chúng tôi nên mồi trao đưa vào răng chúng. - Ðáp.
3) Hồn chúng tôi như cánh chim
non, thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt chim. Lưới dò đã
đứt gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi
danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất! - Ðáp.
Alleluia: Tv 118,
18
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa,
xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ
diệu trong luật Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12,
39-48
"Người ta đã ban cho ai nhiều,
thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ rằng: "Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà
biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch
nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không
ngờ, thì Con Người sẽ đến".
Phêrô thưa Người rằng: "Lạy
Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?"
Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn
ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát
phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó
đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó
trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong
lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn
uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ,
vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số
phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình
mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị
đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự
đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai
nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều,
thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời
Chúa
Bao giờ "Con
Người sẽ đến"? - Phải chăng không bao giờ vào lúc chúng ta tỉnh
thức mà là vô thức?!
Hôm nay, Thứ Tư Tuần XXIX Thường
Niên, bài Phúc Âm được Thánh ký Luca ghi lại tiếp theo bài
Phúc Âm hôm qua về lời Chúa Kitô khuyên các môn đệ của Người "tỉnh
thức" chờ Người đến.
Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm
nay, Chúa Kitô nói cho các môn đệ của Người biết lý do tại sao
các vị cần phải "tỉnh thức": "Các con hãy hiểu biết
điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh
thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn
sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".
Đúng thế, chính vì không biết
giờ nào "Con Người sẽ đến" mà thành phần môn đệ của Chúa
Kitô mới cần phải đợi chờ, mới cần phải nhẫn nại, mới cần phải
trông mong. Đời sống trần gian của Kitô hữu quả thực là một mùa
vọng, mùa đợi trông ơn cứu chuộc, dù đã được cứu chuộc, nơi Phép
Rửa, nhưng lại là một ơn cứu chuộc cần phải bền đỗ đến cùng nữa
(xem Mathêu 24:13) mới được, mới hoàn thành, mới nên trọn.
Chính vì thế mà trong Mùa
Vọng đợi trông của cuộc đời người Kitô hữu như thế, thành phần
môn đệ của Chúa Kitô còn cần phải sống tinh thần của Mùa Chay
hướng về Mùa Phục Sinh nữa mới được. Tinh thần của Mùa Chay
hướng đến Mùa Phục Sinh này chính là tinh thần "thắt lưng"
(tiêu biểu cho Mùa Chay) và "cầm đèn cháy sáng trong tay"
(tiêu biểu cho Mùa Phục Sinh) như được Chúa Giêsu nói đến trong
bài Phúc Âm hôm qua.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa
Giêsu cũng vẫn lập lại với các môn đệ tinh thần Mùa Chay hướng
về Mùa Phục Sinh này khi Người cảnh báo các vị về một đời sống
hưởng thụ vô trách nhiệm đối với vai trò phục vụ của các vị như
sau: "nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: 'Chủ tôi về muộn',
nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ
ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ
loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung".
Trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm
nay, Thánh Tông Đồ Phaolô đã cảnh giác và khuyên
nhủ Tín hữu Giáo đoàn Rôma về đời sống công chính
bằng đức tin hơn là sống tự nhiên theo xác thịt lăng loài bại
hoại như thành phần đầy tớ bại hoại trong Phúc Âm hôm nay:
"Anh em thân mến, nguyện cho tội
lỗi đừng thống trị trong xác hay chết của anh em, khiến anh em
phải vâng phục những dục vọng của nó. Anh em cũng đừng dùng các
chi thể anh em làm khí giới của gian tà để phục vụ tội lỗi,
nhưng hãy hiến thân cho Thiên Chúa như những người từ trong cõi
chết sống lại, và hãy hiến dâng các chi thể anh em làm khí giới
đức công chính để phục vụ Thiên Chúa. Vì chưng, tội lỗi không
còn bá chủ được anh em: bởi anh em không còn ở dưới chế độ lề
luật, nhưng dưới chế độ ân sủng".
Như đã suy diễn trong bài
Phúc Âm hôm qua, thời điểm trở về của chủ là thời điểm Chúa
Kitô tái giáng, tức là thời điểm Người "ăn cưới về". Và
vì thế, thành phần "đầy tớ" của người chủ này không ai
khác hơn là thành phần môn đệ của Chúa Kitô nói chung và các vị
lãnh đạo trong Giáo Hội của Người nói riêng, như Người đã
khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay để trả lời cho câu hỏi
của tông đồ Phêrô "Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay
về mọi người?":
"Vậy con nghĩ ai là người quản
lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để
đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi
chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ
đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình.... Nhưng đầy tớ nào
đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo
ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình
mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người
ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao
phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".
Tuy Chúa Kitô không trả
lời thẳng cho tông đồ Phêrô là "Thày nói dụ ngôn ấy chỉ về các
con đấy chứ còn ai nữa", nhưng nội dung của câu Người trả
lời đã ám chỉ về các vị cũng như về thành phần thừa kế các vị là
hàng giáo phẩm sau này, qua mọi thời đại, chứ không phải chỉ vào
thời tận thế, vì không ai biết lúc nào Người trở lại, nên ai
cũng phải tỉnh thức, bằng việc làm theo ý chủ mình qua phần
nhiệm được Người trao phó, được Người "đặt" lên thay
Người phục vụ, đó là "coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân
phát phần lúa thóc cho họ".
Ở đây, qua câu này, chúng ta
thấy 3 sứ vụ chính yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly của hàng
giáo phẩm: sứ vụ quản trị ở chỗ "coi sóc gia nhân mình",
sứ vụ rao giảng Lời Chúa và sứ vụ thánh hóa bằng việc ban phát
các Bí Tích Thánh, ở chỗ "phân phát phần lúa thóc cho họ". Mà
phân phát khi "đến giờ" nữa. Hai chữ "đến giờ" này không phải
chỉ hiểu theo kiểu hành chính và quan lại, cứ phải xưng tội hằng
tuần vào trước giờ lễ chẳng hạn, mà là đáp ứng nhu cầu khẩn
trương và ngoại lệ của tín hữu nữa, chẳng hạn họ sắp chết cần
xức dầu ngay.
Tuy nhiên, cũng còn có thể hiểu
là có thời Giáo Hội "đến giờ" phải bênh vực chân lý, như
sau thời kỳ 300 năm Giáo Hội bị bách hại có những lạc thuyết sai
lầm nguy hiểm về Chúa Kitô, qua các Công Đồng Chung như Nicea
năm 325, Epheso năm 431 và Contantinople năm 481 v.v. Và có thời
Giáo Hội "đến giờ" phải đối thoại với thế giới, phải trở
thành men muối trong đời và cho đời, theo tinh thần của Công
Đồng Chung thứ 21 là Vaticanô II (11/10/1962 - 8/12/1965), với
văn kiện tiêu biểu nhất là Hiến Chế Gaudium et Spes - Vui Mừng
và Hy Vọng được ban hành ngày 7/12/1965.
Hơn thế nữa, còn có thời Giáo
Hội "đến giờ" phải tỏ lòng thương xót hơn bao giờ hết,
một thời điểm kể từ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từ Đại Năm
Thánh 2000, qua việc ngài phong hiển thánh cho nữ tu Faustina,
Sứ Giả của Lòng Thương Xót Chúa, nhất là thời điểm của Đức Thánh
Cha Phanxicô, vị giáo hoàng chủ trương nghèo hèn và phục vụ
những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô, cũng là vị
giáo hoàng đã bất ngờ mở Năm Thánh Tình Thương (8/12/2015 -
20/11/2016).
Ở bài Phúc Âm hôm qua, các
môn đệ của Chúa Kitô đóng vai "đầy tớ" đối với chủ, nghĩa
là mang thân phận làm theo ý chủ chứ không phải làm theo ý riêng
mình, thân phận phục vụ chủ chứ không phải hưởng thụ, còn ở bài
Phúc Âm hôm nay, các vị lại đóng vai "quản lý" đối với "gia
nhân" của chủ, tuy có quyền "coi sóc gia nhân" của
chủ và có quyền "phân phát phần lúa thóc cho họ" khi "đến
giờ", nhưng vẫn với tư cách là "đầy tớ" của chủ, được
chủ chọn để thay Người phục vụ như Người và với Người, chứ họ
thực sự không phải là chủ, không có toàn quyền như chủ.
Thành phần sống thân phận "đầy
tớ", thân phận lệ thuộc chẳng khác gì thân phận của những
kẻ "nô lệ", trong vai trò "quản lý trung tín khôn
ngoan" này, như lời Thánh Phaolô Tông Đồ nói trong Bài Đọc 1
cho năm lẻ hôm nay, quả thực đã "biết rằng: hễ anh em hiến
thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của kẻ anh
em vâng phục đó sao? hoặc là nô lệ của tội lỗi để rồi phải chết,
hoặc là nộ lệ của đức vâng lời để rồi được nên công chính? Nhưng
cảm tạ Thiên Chúa, vì xưa kia anh em là nô lệ của tội lỗi, mà
nay anh em đã hết lòng vâng theo khuôn mẫu đạo lý đã truyền cho
anh em noi giữ. Một khi anh em đã được giải phóng khỏi ách tội
lỗi, anh em đã được nhận vào phục vụ đức công chính".
Đúng thế, chính vì biết phận
mình là "đầy tớ" chỉ biết phục vụ theo ý của chủ như thế,
nghĩa là "đã hết lòng vâng theo khuôn mẫu đạo lý đã truyền
cho anh em noi giữ", mà họ mới đích thực là quản lý của chủ
và thay chủ: "Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang
làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông
coi tất cả gia sản mình": "Một khi anh em đã được giải phóng
khỏi ách tội lỗi, anh em đã được nhận vào phục vụ đức công
chính".
Thành phần "đầy tớ" đóng
vai "quản lý" phục vụ thay chủ trong Bài Phúc Âm hôm nay
chỉ có thể chu toàn những gì được chủ trao phó bằng tất cả ý
thức và cảm nhận của Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Nếu như Chúa không che chở
chúng tôi, - Israel hãy xướng (lên) - nếu như Chúa không che chở
chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng tôi gây hấn, bấy giờ người ta
đã nuốt sống chúng tôi rồi, khi họ bầng bầng giận dữ chúng tôi.
2) Bấy giờ nước cả đã lôi cuốn
mất, trào lưu đã ngập lút con người chúng tôi, bấy giờ sóng cả
kiêu hùng đã ngập lút chúng tôi! Chúc tụng Chúa vì Ngài đã không
để chúng tôi nên mồi trao đưa vào răng chúng.
3) Hồn chúng tôi như cánh chim
non, thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt chim. Lưới dò đã
đứt gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi
danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL.
Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm
hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên
TN.XXIXL-4.mp3